PHẢN BÁC TUYÊN BỐ 258

PHẢN BÁC TUYÊN BỐ 258

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Vũ Văn Tính - Thư ngỏ gửi các bạn mời tranh luận về Điều 258 BLHS


Lời dẫn: Luật sư Vũ Văn Tính hiện đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 2 - Cộng Hòa Pháp. Ông từng có bài viết “Ngôn luận và giới hạn của tự do ngôn luận” được đăng trên Báo Nhân dân. Sau khi hay tin nhóm "Tuyên bố 258" mời ông và đại diện Hội Những người Phản bác "Tuyên bố 258" tham dự một cuộc tranh luận, vừa mới đây, từ Paris, luật sư Vũ Văn Tính có lá thư ngỏ dưới đây. Xin trân trọng gửi đến bạn đọc.
***********

Thư ngỏ gửi các bạn mời tranh luận,

Hôm nay tôi mới đọc trên mạng và biết được rằng mình có tên trong danh sách những người được mời tham gia tranh luận về điều 258 BLHS của Việt Nam. Tôi có thể không viết thư này vì lời mời đó thực tế không được gửi trực tiếp đến email cá nhân của tôi nhưng do phép lịch sự xã giao nên tôi viết thư ngỏ này để chuyển tới các bạn thông điệp rằng tôi sẽ không tham gia buổi tranh luận. Lý do:

1. Thứ nhất tôi không có thời gian ở Việt Nam: hiện nay tôi đang ở Paris và công việc nghiên cứu không cho phép tôi nhiều thời gian để về VN tham gia buổi tranh luận.

2. Thứ hai, theo tôi buổi tranh luận sẽ không thể đi đến một kết quả như mọi người mong muốn bởi tranh luận là để chỉ ra ai đúng, ai sai có nghĩa là phải có một bên thứ ba đứng ra làm trọng tài để chỉ ra kết quả cuối cùng. Đây không phải là một vụ tranh chấp nên không thể đưa nhau ra tòa hoặc ra trọng tài được mà là tranh luận về một điều luật của một quốc gia. Như vậy, về lý thuyết, phải có ít nhất 51% số đại biểu Quốc Hội tham dự với tư cách trọng tài thì may ra buổi tranh luận mới có thể diễn ra đúng nghĩa. Điều đó là không tưởng. Nếu không có người trọng tài sẽ làm mất thời gian của các bên vì mỗi bên đều tìm cách bảo vệ quan điểm của mình và câu chuyên sẽ dễ rơi vào cảnh “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, hai bên có thể tranh luận cả năm cũng không thể đi đến hồi kết.

3. Thứ ba, một điều luật không đơn giản là các con chữ sắp xếp lại với nhau mà nó là cả một học thuyết pháp lý. Để đưa ra được một học thuyết như thế vào trong một điều luật đã phải có sự tranh luận của nhiều luật gia và những người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này và nhất là phải được đa số đại biểu quốc hội chấp thuận. Như vậy để sửa đổi hay thay thế một điều trong Bộ luật hình sự cũng phải đòi hỏi ý kiến của những người có chuyên môn sâu về khoa học hình sự. Bản thân tôi tự thấy mình chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật kinh doanh nên không muốn đưa ra các ý kiến một cách chủ quan về những vấn đề mà không phải lĩnh vực chuyên sâu của mình. Ngay như bài viết “Ngôn luận và giới hạn của tự do ngôn luận” của tôi cũng chỉ đơn thuần mang tính giới thiệu cho bạn đọc một cái nhìn về tự do ngôn luận của Châu Âu và nước Pháp chứ không phải là một bài viết mang tính khoa học.

Người ta nói không có điều luật nào đúng hoặc sai, chỉ có hợp lý hay không hợp lý mà thôi và theo Heghel “cái gì hợp lý thì tồn tại”. Các nhà lập pháp cũng không thể không biết câu châm ngôn La Mã “cessante ratione legis cessat ejus disposition” (luật ngừng lại ở nơi ngừng lại của các lý lẽ). Lấy một ví dụ tại Pháp: vừa qua quốc hội Pháp đã thông qua luật công nhận hôn nhân đồng giới. Trước đó để phản đối dự luật này trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn đăng tải các ý kiến của các luật gia và không chủ nhật nào ở Paris không có biểu tình phản đối, có những cuộc biểu tình quy mô tới hàng chục ngàn người. Nhiều hiệp hội dân sự cũng phát động phong trào thu thập chữ ký và gửi thư ngỏ đến hàng trăm tổ chức quốc tế có trụ sở tại Paris, danh sách những người tham gia ký tên phản đối thì không thể thống kê được. Thậm chí có người đã tự tử ngay trước cửa Nhà Thờ Đức Bà Paris để phản đối. Kết quả: điều luật vẫn được cả hai viện thông qua. Như vậy việc thông qua điều luật đó không thể không có lý do chính đáng dù cả ngàn người phản đối?

Theo như văn hóa tranh luận mà tôi được biết thì nếu ai cảm thấy một vấn đề nào đó không hợp lý liên quan đến một điều luật thì có thể viết các bài viết mang tính khoa học (có lập luận logic, có dẫn chứng, đối chiếu so sánh với các hệ thống luật pháp khác) nêu ra sự bất hợp lý của điều luật đó và gửi cho các tạp chí chuyên ngành, các diễn đàn xã hội có uy tín hoặc gửi thẳng cho các đại biểu quốc hội. Người Việt Nam có câu “nói phải củ cải cũng phải nghe”, nếu các đại biểu quốc hội thấy hợp lý thì dù các bạn không yêu cầu người ta cũng sẽ tìm cách đưa vào dự án luật hoặc dùng các ý kiến của các bài viết đó để tranh luận tại quốc hội.

Paris, ngày 5 tháng 10 năm 2013.
Luật sư Vũ Văn Tính
Email: tinh.avocat77(a)gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét