Nghiên cứu phi lịch sử, hay thực hành “chủ nghĩa thực dân tinh thần”? (Kỳ 1)
NDĐT- Trong những năm qua, nhiều vấn đề lịch sử - văn hóa Việt Nam đã thu hút sự chú ý, trở thành đề tài nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài. Từ khi quan hệ quốc tế được mở rộng, các công trình nghiên cứu về Việt Nam ngày càng phong phú hơn và đã có công trình mang ý nghĩa thực tiễn nhất định. Tuy nhiên, do kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau, nên có tác giả đã đưa ra luận điểm thiếu thuyết phục, thậm chí còn gán ghép các nội dung không có trên thực tế. Trong bài viết dưới đây tác giả Nguyễn Hòa cho rằng, một số kết luận về lịch sử - văn hóa Việt Nam của GS TS Liam C Kelley - giảng viên Đại học Hawaii ở Manoa (Hoa Kỳ), là một thí dụ điển hình, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo…
Năm 2006, một trang điện tử của người Việt ở nước ngoài công bố bài Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt - Trung (bản dịch của Lê Quỳnh) giới thiệu một số quan điểm của GS TS Liam C Kelley - giảng viênĐại học Hawaii ở Manoa (Hoa Kỳ), về lịch sử Việt Nam và quan hệ văn hóa Việt - Trung trong quá khứ. Từ việc đọc các bài thơ của sứ thần Việt Nam, Liam C Kelley không chỉ coi: “Chúng không bộc lộ bất kỳ cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc, mà lại mô tả một sự khẳng định toàn diện về một trật tự thế giới mà quan hệ triều cống dựa vào và về vị trí phụ của Việt Nam trong thế giới ấy”, mà ông đi xa hơn bằng việc coi luận điểm về bản sắc dân tộc, văn chương chống ngoại xâm,... chỉ là “phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ”, và “cái nơi mà chúng ta giờ đây gọi là Việt Nam đúng hơn đã từng là một vùng của sự giao tiếp văn hóa, một khu vực biên nơi mà việc anh là ai không quan trọng bằng việc anh làm gì?”. Thậm chí, GS TS Liam C Kelley còn không tin vào ý thức tự chủ, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam, như đã cho rằng Bình Ngô đại cáo “không hẳn thể hiện niềm tự hào của người Việt trước người Trung Quốc, Bình Ngô đại cáo lại là sự cảnh cáo nghiêm khắc với những người Việt đã hợp tác với quân Minh chiếm đóng”! Vì thế với bút danh Hà Yên, tôi viết và công bố bài Từ một góc nhìn “xưa cũ và bảo thủ” về quan hệ văn hóa Việt - Trung, lạm bàn với Liam C. Kelley nhằm chứng minh Liam C Kelley đã nghiên cứu một cách chủ quan, như: khu biệt các sự vật - hiện tượng khỏi bối cảnh lịch sử và không gian sinh tồn, không quan tâm tới các nội dung có tính “ngầm ẩn”, “phi văn bản” của lịch sử - văn hóa,...
Từ đó đến nay, qua bản dịch của Hoa Quốc Văn, tôi đã tiếp xúc với một số bài nghiên cứu Việt Nam của Liam C Kelley, như: “Tự sự về một mối quan hệ bất bình đẳng: Các trí thức Việt Nam tiền hiện đại lý giải quan hệ giữa vương quốc của họ với ‘phương Bắc’ thế nào”, “Bản địa hóa” và các “thế giới tri thức” trong quá khứ và hiện tại của Đông Nam Á, Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của Thái trong quá khứ Việt Nam, Tưởng tượng về “quốc gia” ở Việt Nam thế kỉ XX, Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam, “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại,… Càng đọc tôi càng nhận ra Liam C Kelley rất quan tâm tới lịch sử Việt Nam từ cổ đại tới trung đại. Ông khai thác nhiều tư liệu Đông - Tây, và có lẽ vì muốn “thay đổi cách nhìn” nên ông có xu hướng xới xáo, phản biện, bác bỏ một số luận điểm, giá trị văn hóa - lịch sử vốn là khá thống nhất trong giới nghiên cứu, cũng như trong tâm thức cộng đồng ở Việt Nam. Điều này không có gì đáng trách, vì đó là quyền của nhà nghiên cứu, và nếu phản biện có lý còn giúp chúng ta cẩn trọng hơn khi xem xét lịch sử - văn hóa của dân tộc mình; như bài Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của Thái trong quá khứ Việt Nam đã đưa tới một số gợi ý cần tham vấn. Đáng tiếc, đọc tác phẩm của Liam C Kelley, tôi nhận thấy một số phản biện, kết luận rất thiếu thuyết phục, nếu không nói là rất đáng ngờ. Lối nghiên cứu chỉ dựa trên văn bản, thoát ly hoặc ít chú ý tới các mối liên hệ, các bối cảnh của lịch sử một đất nước từng trải qua nhiều biến thiên phức tạp như Việt Nam đã đưa Liam C Kelley tới một số kết luận không thể tin cậy. Vì Liam C Kelley đề cập tới nhiều nội dung, đưa ra nhiều luận điểm, nên khó bao quát trong một tiểu luận. Do đó ở đây, tôi chỉ đề cập tới một số luận điểm theo tôi là cần thiết. Và cũng xin lưu ý, qua một số diễn đạt khác nhau, các luận điểm này được nhắc lại nhiều lần trong các nghiên cứu về Việt Nam của GS TS Liam C Kelley.
1. Khát vọng độc lập, lòng yêu nước không phải là “sản phẩm hư cấu”
Trong bài “Tự sự về một mối quan hệ bất bình đẳng: Các trí thức Việt Nam tiền hiện đại lý giải quan hệ giữa vương quốc của họ với ‘phương Bắc’ thế nào”, sau khi trình bày nhiều lập luận rối rắm, Liam C Kelle viết: “Thực ra, đối với hầu hết các học giả Việt Nam ngày nay, không nghi ngờ gì nữa “Việt Nam” luôn luôn độc lập. Bất chấp một thực tế là khái niệm “độc lập” chỉ du nhập vào tiếng Việt ở đầu thế kỷ XX, các học giả ở Việt Nam ngày nay được thuyết phục rằng có một vương quốc độc lập ở đồng bằng sông Hồng trong thiên niên kỷ đầu trước Công lịch, và rằng sau một nghìn năm Bắc thuộc, vương quốc độc lập đó tái xuất hiện và làm ra vẻ một nhà nước triều cống trong 1000 năm tiếp theo từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX… Ở đầu thế kỷ XX, các trí thức cải cách, trong một thực thể đã trở thành Đông Dương thuộc Pháp trước đó không lâu, bắt đầu tiếp xúc với các khái niệm về quá khứ từ châu Âu và châu Mỹ khi họ được giới thiệu các “tân thư” của các nhà canh tân người Hoa như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, những người lại chịu ảnh hưởng bởi trước thuật của các trí thức khác người Nhật. Được gợi hứng bởi những cái nhìn mới, và khiếp sợ những cảnh báo của thuyết tiến hóa xã hội rằng các quốc gia có thể biến mất dễ dàng nếu chúng không đủ mạnh, các trí thức cải cách ở đầu thế kỷ XX này bắt đầu viết lịch sử Việt Nam bằng những cách thức mới triệt để. Đó là giai đoạn mà những ý tưởng về độc lập và sự khác biệt văn hóa bắt đầu giữ địa vị chủ chốt”.
Xét từ diễn trình du nhập và tiếp nhận tri thức, tới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam mới manh nha và từng bước hình thành cách thức tư duy, phương pháp nghiên cứu theo học thuật phương Tây. Đã diễn ra một quá trình đầy khó khăn đối với việc du nhập, sử dụng, phổ biến một kiểu tư duy mới trong xã hội với tính cách là công cụ khám phá tự nhiên, xã hội, con người. Với văn hóa nói chung, với khoa học nói riêng, phải tới khi tầng lớp trí thức trải qua một quá trình thâu nạp, tìm hiểu nhất định thì chấm phá đầu tiên mới xuất hiện. Và ở Việt Nam, cần nói tới vai trò của Tân thư (tên gọi chung của sách vở, tài liệu giới thiệu các tư tưởng mới của Âu - Mỹ xuất hiện ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX tới đầu thế kỷ XX. Tân thư là khái niệm được sử dụng để phân biệt với Cổ thư là sách vở mang nội dung văn hóa - tư tưởng truyền thống, chẳng hạn như sách vở Nho giáo). Qua Tân thư, giới trí thức Việt Nam tiếp xúc và tiếp nhận tri thức mới. Sự tiếp xúc có được vừa do mối giao lưu truyền thống, vừa do có liên quan mật thiết với tình trạng cùng cảnh ngộ của Nhật Bản, Việt Nam, Trung Hoa - những dân tộc vốn “đồng văn đồng chủng” đang cùng phải đối mặt với chủ nghĩa thực dân có âm mưu thôn tính không chỉ về lãnh thổ, mà cả về văn hóa. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của Nhật Bản, biến động tư tưởng theo xu hướng tiến bộ ở Trung Hoa không thể không tác động tới tư tưởng - tình cảm của các trí thức tiến bộ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Họ hy vọng tìm thấy hướng đi mới cho dân tộc từ phong trào Duy tân ở hai quốc gia này và với Tân thư, tinh thần khai sáng và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, chính trị, triết học,... của phương Tây đã có mặt ở Việt Nam, đưa tới sự ra đời của phong trào Tân học, cho thấy một khát vọng mới, một sự thức tỉnh mới trong nhận thức xã hội đã chi phối những đầu óc tiên tiến của Việt Nam khi đó.
Về chính trị, nếu giai đoạn trên đặt nền móng cho việc tìm kiếm con đường giành độc lập, thì về khoa học cũng tạo tiền đề quan trọng để giới trí thức Việt Nam đi bước đầu tiên trên con đường khoa học theo đường hướng phương Tây. Do vậy trong sinh hoạt xã hội và trong học thuật, người Việt Nam bắt đầu làm quen các khái niệm từ máy bay, tàu hỏa, ô-tô (automobile), xe máy - mô-tô (motocyclette), áo vét (veston), dầu tây,… đến tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… Nếu Liam C Kelley cẩn trọng nghiên cứu các khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam ở đầu TK XX và suy xét sâu xa, ông sẽ thấy đó không thuần túy là sản phẩm từ tiếp biến văn hóa, mà còn là một cách thức hun đúc tinh thần dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ. Nhưng, ý muốn “thay đổi cách nhìn” lại tự trói buộc vào văn bản đã làm cho Liam C Kelley thoát ly khỏi diễn biến và bối cảnh lịch sử - văn hóa của vấn đề, không phân tích (không cần phân tích?) sự xuất hiện, tình trạng sử dụng các khái niệm trong tính lịch sử - cụ thể. Nói cách khác, Liam C Kelley đã bỏ qua vai trò của yếu tố khách quan, không phân loại khái niệm để xem xét, mà dồn tất cả vào một “rọ” rồi lấy đó làm cơ sở phân tích, kết luận (đôi chỗ dường như hàm ý giễu cợt!?). Nếu nghiên cứu thật sự khách quan, chí ít ông phải thấy đầu thế kỷ XX, đã có hai kiểu loại khái niệm được du nhập vào Việt Nam:
a. Các khái niệm liên quan tới văn hóa vật chất, như: máy bay, tàu hỏa, ô-tô, xe máy, áo vét, dầu tây,… Đây là kiểu loại khái niệm biểu thị cho sự phát triển văn minh khoa học kỹ thuật phương Tây mà người Việt Nam chưa đạt được (thậm chí còn chưa từng xuất hiện trong quan niệm truyền thống), nhưng giá trị mà các khái niệm này mang tải đã chứng tỏ tính hữu dụng của chúng trong sinh hoạt xã hội, nên người Việt Nam nhanh chóng chấp nhận, sử dụng.
b. Các khái niệm liên quan tới văn hóa tinh thần, như: tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… Với kiểu loại khái niệm này, người Việt Nam không chỉ phải làm quen trong tư cách khái niệm, mà còn phải làm quen với thao tác xây dựng nội hàm. Điều đó có nguồn gốc từ lịch sử, hàng nghìn năm ở Việt Nam đã tồn tại những sự kiện - hiện tượng liên quan đến tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… nhưng chưa được khái quát và thể hiện bằng khái niệm. Các trí thức tiến bộ ở Việt Nam đầu TK XX không chỉ tiếp nhận mà khi xem xét quá khứ, họ sử dụng các khái niệm này làm công cụ nghiên cứu, khái quát các sự kiện - hiện tượng từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam để xác lập nội hàm các khái niệm đó với nội dung cụ thể, gần gũi; đây là công việc mà các thế hệ đi trước, do hạn chế lịch sử, vẫn chưa làm được.
Tiếp cận một cách bản chất và trên diện rộng, GS TS Liam C Kelley sẽ thấy không phải mọi khái niệm, tư tưởng từ phương Tây vào Việt Nam ở đầu thế kỷ XX đều có thể bắt rễ vào đời sống tinh thần xã hội Việt Nam. Tất nhiên khi du nhập một khái niệm nào đó, người ta không thể ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nội hàm của nó, nhưng dù sao thì khái niệm không thể tạo ra thực tiễn, vì nó ra đời từ quá trình khái quát về thực tiễn. Do đó để xem xét, cần phải khảo sát, phân tích từ lý thuyết tiếp nhận với quan niệm về tầm đón nhận, về tương thích văn hóa,… chứ không thể khảo sát, phân tích từ cảm quan của nhà nghiên cứu có xu hướng “hiện đại hóa quá khứ” bằng việc tách văn bản khỏi bối cảnh, tách câu chữ khỏi văn cảnh rồi suy luận phải thế này, không phải thế kia. Bên cạnh đó, với các khái niệm Liam C Kelley đề cập, phải xem xét từ phương diện cơ bản hơn, vì chúng có khả năng đáp ứng được yêu cầu cấp bách nhất của người Việt Nam khi đó là giành lại Tổ quốc. Việc chứng minh nội hàm các khái niệm độc lập, yêu nước, dân tộc,… đã tồn tại trong lịch sử đất nước là một cách thức quan trọng giúp người Việt Nam có thêm hiểu biết về đất nước, tổ tiên, đánh thức lòng tự tôn, và hướng tâm thế xã hội theo tinh thần kế tục. Liam C Kelley không nhận ra điều này, chỉ vì thấy tới đầu TK XX khái niệm độc lập mới xuất hiện ở Việt Nam, mà ông vội kết luận là “gợi hứng bởi những cái nhìn mới, và khiếp sợ những cảnh báo của thuyết tiến hóa xã hội rằng các quốc gia có thể biến mất dễ dàng nếu chúng không đủ mạnh” rồi cho rằng các học giả ở Việt Nam ngày nay khẳng định về nền độc lập của đất nước mình là: “Bất chấp một thực tế là khái niệm “độc lập” chỉ du nhập vào tiếng Việt ở đầu thế kỉ XX, các học giả ở Việt Nam ngày nay được thuyết phục rằng có một vương quốc độc lập ở đồng bằng sông Hồng trong thiên niên kỷ đầu trước Công lịch, và rằng sau một nghìn năm Bắc thuộc, vương quốc độc lập đó tái xuất hiện và làm ra vẻ một nhà nước triều cống trong 1000 năm tiếp theo từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX”. Liam C Kelley có thể không đồng tình với kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở Việt Nam về sự hình thành nước Việt Nam thời cổ đại (như ông trình bày trong một số tiểu luận tôi không đề cập ở đây), song không thể vì thế mà sổ toẹt bằng chứng lịch sử cho thấy người Việt sớm có ý thức về độc lập, sớm có lòng yêu nước. Chẳng lẽ sau hơn nửa thế kỷ, quan niệm về “sứ mạng khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân vẫn đeo bám, chi phối, ngăn trở, không giúp Liam C Kelley vượt qua tầm nhìn thiển cận?
Theo tôi, việc lấy triều cống làm tiêu chí kết luận về quan hệ độc lập hay phụ thuộc giữa Việt Nam với Trung Hoa từ thời thế kỷ XX về trước, là việc làm kỳ quặc; chứng tỏ người nghiên cứu hoặc đi theo xu hướng sai lạc, hoặc không hiểu bản chất quan hệ triều cống giữa Trung Hoa với Việt Nam nói riêng, và giữa Trung Hoa với một số nước ở châu Á nói chung. Nếu coi triều cống là sự thần phục, liệu Liam C Kelley có thể từ hiện tượng triều cống của các triều đại phong kiến Nhật Bản, Triều Tiên, Thailand,… để cho rằng Nhật Bản, Triều Tiên, Thailand,… từng thần phục Trung Hoa? Hàng nghìn năm phải chấp nhận triều cống, phải tỏ vẻ thần phục để đất nước ổn định và phát triển, giữ yên bờ cõi, đồng thời vẫn khẳng định “nước ta” là một thực thể có tư cách riêng,… thiết nghĩ đó là lựa chọn khôn ngoan (thậm chí là duy nhất đúng?) với một nước nhỏ sinh tồn cạnh một nước lớn… Với ý niệm “sách trời” trong câu thơ “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, Liam C Kelley nhận xét: “khó mà nói chắc chắn rằng nó biểu thị cái gì”. Đúng vậy, và nếu chỉ bằng tinh thần duy lý, Liam C Kelley sẽ không thể lý giải được sự huyền bí của “sách trời”, bởi đó là điều chỉ có thể cảm nhận, khó có thể chứng minh theo tinh thần thực chứng. Nhưng oái oăm là ở Việt Nam một thời, sự huyền bí này lại chứa đựng một sức mạnh to lớn giúp khẳng định chủ quyền, và khích lệ người Việt Nam giữ vững chủ quyền. Tương tự, không thể lấy hiện tượng người Việt Nam thờ Khổng Tử ở Văn Miếu để đặt câu hỏi về thần phục. Trong một xã hội coi Nho giáo là “quốc giáo”, việc thờ phụng người khai sinh ra Nho giáo là điều rất bình thường, không phải là bằng chứng chứng minh sự thần phục. Đặt câu hỏi như thế, liệu khác gì vì thấy trước thế kỷ XV ở Việt Nam Phật giáo thịnh hành, nhiều vị cao tăng giữ trọng trách tại triều đình, thậm chí vua Trần Nhân Tông còn là người sáng lập một dòng Thiền,… để khẳng định Việt Nam đã từng… thần phục Nêpan! Trong lịch sử nhân loại, hiện tượng chấp nhận, tôn kính và thờ phụng một biểu tượng - con người có ý nghĩa tinh thần vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng xuất thân không phải là đặc biệt, dị thường. Hàng tỷ người trên thế giới vẫn tôn thờ Jesus nhưng không mấy ai băn khoăn về quốc tịch của Jesus để buộc mình phải lựa chọn “tin hay không tin, theo hay không theo?”. Nghiên cứu lịch sử - văn hóa mà không quan tâm, thiếu khả năng nắm bắt tính chất “ngầm ẩn”, “phi văn bản” của một số vấn đề - sự kiện trong quá khứ vốn không được lưu trữ bằng các tài liệu, mà được truyền bá trong văn hóa dân gian, đã in dấu ấn vào vô thức cộng đồng, sẽ khó tìm được lời giải thuyết phục, dễ bị cuốn theo xu hướng suy đoán chủ quan.
Sau hàng nghìn năm bị đô hộ, các văn bản ghi chép (nếu có?) về đất nước, con người Việt Nam hầu như không còn, và văn hóa dân gian trở thành nơi lưu giữ thông tin về nhiều sự kiện - hiện tượng lịch sử - văn hóa. Tất nhiên, không thể lấy văn hóa dân gian làm chuẩn mực định tính lịch sử nhưng chí ít thì căn cứ vào đó có thể hình dung câu trả lời về quá khứ đất nước và dân tộc được lưu giữ, trao truyền qua ký ức tập thể của người Việt Nam như thế nào. Trong lịch sử, ký ức ấy là “phi văn bản” nhưng mang tải các biểu tượng được thừa nhận như là lẽ tất yếu của điều kiện sinh tồn, có ý nghĩa liên kết cộng đồng. Nên có thể nói trong bài “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại, khi đặt ra câu hỏi: “Ai đích xác là nhân dân / dân gian…”, “nếu những thông tin cốt lõi trong một câu chuyện như Hồng Bàng thị truyện bắt nguồn trong các câu truyện dân gian được lưu truyền từ thời viễn cổ, thì các học giả cần phải giải thích làm thế nào có thể xảy ra điều đó, và những sự lưu truyền nào đã chuyển tải các thông tin khi ngôn ngữ tiếng Việt phát triển qua các thế kỷ và khi những thông tin truyền miệng này rốt cuộc được dịch sang tiếng Hán cổ”,… GS TS Liam C Kelley cố tình trình bày một thách đố hơn là tự chứng tỏ nhãn quan khoa học của nhà nghiên cứu. Xem xét từ toàn cảnh, Liam C Kelley sẽ thấy văn học thành văn ở Việt Nam vẫn có tài liệu để tham khảo, như câu hỏi trước khi bị Trung Hoa xâm lược, người Việt có chữ viết hay chưa (?) chẳng hạn. Đặt sang một bên ý kiến khác nhau về tác giả của Thánh Tông di thảo, đọc truyện Mộng ký(Truyện một giấc mộng) sẽ thấy một câu chuyện đặc biệt. Truyện kể: Một hôm Lê Thánh Tông “dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát” thì gặp trời mưa to, ông nghỉ lại bên hồ Trúc Bạch. Đêm ấy trong giấc mơ, ông thấy hai người con gái hiện lên bày tỏ oan ức rồi dâng “một tờ giấy trắng ngang dọc đều độ một thước, trên có 71 chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được. Dưới có hai bài thơ”. Vua đem tờ giấy về triều, vời học thần nội các đến xem, giải nghĩa. Sau ba năm, mà học thần nội các không ai giải nghĩa được. Lê Thánh Tông lại nằm mơ, thấy có người hiện lên giảng cho ông hai bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm và nghĩa của 71 chữ ngoằn ngoèo, người này bảo: đó là “lối chữ cổ sơ của nước Nam. Nay Mường Mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được. Nhà vua triệu họ đến, bắt đọc thì khắc biết”. Dù Lê Thánh Tông hay ai đó là tác giả Thánh Tông di thảo, vẫn có thể liên tưởng tới việc truyện mang theo nỗi trăn trở về chữ viết riêng của dân tộc ở thời xa xưa. Nếu vua Lê Thánh Tông là tác giả Thánh Tông di thảo thì có lẽ khác biệt ở chỗ, là một ông vua, nên Lê Thánh Tông đã “thần bí hóa” nỗi trăn trở thành một vấn đề chỉ nhà vua mới được báo mộng?
Phương thức canh tác nông nghiệp lúa nước và cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên đã làm nảy sinh trong lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam hiện tượng “cái thiêng” trở thành một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần. “Cái thiêng” - qua việc thờ cúng và sự kính trọng các biểu tượng “thánh, thần”, không chỉ là yếu tố chi phối cung cách ứng xử với tự nhiên để cầu mong mưa thuận gió hòa, được phù hộ, mà còn mang tải các giá trị khác, như: tưởng nhớ công ơn, xác định tấm gương để noi theo; mà hiện tượng các thế hệ trao truyền cho nhau truyền thuyết về anh hùng dân tộc, “thần thánh hóa” nhân vật có công với nước là ví dụ. Nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở thời kỳ truyền thuyết, biểu tượng giữ vai trò quan trọng và “cái thiêng” không chỉ là “cái thiêng” mà còn có ý nghĩa thế tục, rồi văn bản thành văn sơ sài,… nếu đòi hỏi phải có thời gian xác định, phải có văn bản để phân tích để so sánh một cách duy lý, không đặt mình vào quá trình “nhập thân văn hóa” sẽ không hiểu được điều này. Dẫu xác thực hay chưa, thì lịch sử lâu đời của việc thờ phụng Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,… và hàng trăm vị Thành hoàng, đều không thuần túy là tín ngưỡng, phong tục. Chỉ dựa vào văn bản, thấy cái này có thì công nhận, cái kia không có thì phủ nhận,… thì không những chứng tỏ thiếu hụt khả năng tư duy khoa học mà còn là sự xúc phạm. Chẳng nhẽ theo Liam C Kelley, những điều được lưu truyền như: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, “Như nước Đại Việt ta thuở trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Bờ cõi, cương vực đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác”, “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”,… lại không phải là biểu thị cụ thể về ý thức về độc lập, lòng yêu nước của người Việt Nam? Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chỉ nhắc đến tên tuổi Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,… là thấy hành động, sự hy sinh của những con người ưu tú ấy đã chứng minh họ có ý thức rất nghiêm túc về độc lập, yêu nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các giá trị này. Đến nửa cuối thế kỷ XX cũng vậy, hàng triệu người Việt Nam suy nghĩ và hành động theo khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã tiếp tục chứng minh ý thức về độc lập, lòng yêu nước được kế tục như thế nào. Chẳng lẽ Liam C Kelley không quan tâm?
Do đó, không thể nói chỉ tới khi người phương Tây du nhập các khái niệm độc lập, yêu nước tới Việt Nam thì người Việt Nam mới biết thế nào là độc lập, yêu nước. Có thể hàng nghìn năm người Việt Nam chưa biết các khái niệm này với tư cách khoa học, nhưng suy nghĩ, hành động của họ cho thấy khát vọng độc lập, lòng yêu nước không phải là sản phẩm hư cấu, chỉ nhờ vào học thuật phương Tây mới nhận thức được. Đó là sự thật để chí ít trước khi đặt vấn đề nghiên cứu, Liam C Kelley cũng nên tự vấn bằng câu hỏi: Tại sao, điều gì làm cho một dân tộc, trong hàng nghìn năm có thể đánh bại rất nhiều kẻ thù xâm lược, gần đây nhất là Pháp, Hoa Kỳ? Đó cũng là sự thật để Liam C Kelley cẩn trọng hơn, không tiếp tục coi phương Tây có “sứ mệnh khai hóa văn minh” đối với phương Đông, rồi biến mình thành tín đồ của “chủ nghĩa thực dân tinh thần” đã lạc lõng so với lịch sử, lạc lõng so với sự phát triển của khoa học. Hay, như Nguyễn Thị Minh Thương viếttrong tiểu luận Lý luận dịch thuật hậu thực dân là: “cường điệu hóa về một “kẻ khác” suy yếu, ấu trĩ, lười biếng, mê muội, tất cả chỉ để hiển thị rõ hơn một văn hóa phương Tây ưu việt bội phần” (phebinhvanhoc.com.vn, ngày 21.7.2012).
(Còn nữa)
NGUYỄN HÒA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét