NDĐT - Nhân Dân điện tử xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Kỳ 3 và cũng là kỳ cuối của loạt bài " Nghiên cứu phi lịch sử, hay thực hành “chủ nghĩa thực dân tinh thần”? của tác giả Nguyễn Hòa.
3. Tiếp biến văn hóa và bản sắc dân tộc
Trong bài Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam, GS TS Liam C Kelle viết: “Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi “viết lại” để chống những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính các khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn. Đây là hiện tượng mà các học giả gọi là “sự thực dân trong tinh thần”. Bởi vì người dân thuộc địa cũ vẫn dùng những khái niệm mà những kẻ thực dân trước đây đã tạo ra. Những người không thể vượt qua được những khái niệm mà những kẻ thực dân tạo ra vẫn đang “bị thuộc địa về tinh thần”… Cho đến nay, như tôi được biết, chưa có lí thuyết gia hậu thuộc địa người Việt nào xuất hiện. Không giống như ở Ấn Độ và ở Thái Bình Dương nơi lí thuyết hậu thuộc địa đã phát triển rất tốt, ở Việt Nam, đây vẫn là vùng đất chưa được khám phá. Kết quả là, những cái đầu thuộc địa tiếp tục sản sinh ra học thuật thuộc địa. Bằng cách đảo ngược lại những gì thực dân đã nói, họ nghĩ rằng họ đang làm cái mới, nhưng bằng việc đi theo chính những khái niệm do những kẻ thực dân tạo ra, họ vẫn bị thuộc địa về tinh thần và học thuật của họ vẫn mang tính thuộc địa”.
Tôi nghĩ, có thể coi đoạn văn trên đây là thí dụ điển hình cho các kết luận phi khoa học, phi lịch sử của GS TS Liam C. Kelley khi nghiên cứu Việt Nam. Trước hết, không thể nói ở các quốc gia từng là thuộc địa và có ý thức về con đường phát triển sau thời kỳ thực dân, việc tiếp tục sử dụng các khái niệm do thực dân mang tới là “thực dân trong tinh thần”. Với khoa học nào cũng vậy, hệ thống khái niệm, nguyên lý, phạm trù, phương pháp nghiên cứu,… là luôn thống nhất. Không phải vì khoa học đó ra đời ở một nước thực dân mà sau khi giành độc lập, quốc gia từng là thuộc địa phải lập tức xóa bỏ để xây dựng hệ thống khái niệm, nguyên lý, phạm trù, phương pháp nghiên cứu,… riêng của mình. Nếu có quan tâm, Liam C. Kelley nên xem xét việc làm đó đưa tới kết quả như thế nào. Kết luận như vậy, Liam C. Kelley tự chứng tỏ ông không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa thực dân với ý nghĩa toàn nhân loại của các ngành khoa học (lẽ nào ông lại không biết điều đó?). Như Hoa Kỳ chẳng hạn, xét đến cùng, những thành tựu quốc gia này đạt được sau hơn 200 năm, chính là sự tiếp nối, sáng tạo, phát triển từ những gì châu Âu đã có từ trước. Cứ như Liam C. Kelley nghiên cứu, liệu đến một ngày nào đó, Giáo sư Tiến sĩ có thể kết luận: ảnh hưởng của triết học Khai sáng ở châu Âu, ảnh hưởng từ tư tưởng triết học của John Locke (1632 - 1704),… trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) cũng là biểu hiện của hiện tượng “bị thuộc địa về tinh thần”!?
Xem xét một cách toàn diện, điều Liam C. Kelley cho rằng “người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn” là rất phiến diện. Trong khi phê phán chủ nghĩa thực dân, nhiều tác giả ở các nước cựu thuộc địa khẳng định chính quyền thực dân đã bóp nghẹt tự do, gây bất bình đẳng, vi phạm dân quyền,… đâu phải để chứng tỏ các giá trị của dân tộc mình ưu việt hơn, mà việc làm này để chỉ đích danh tính chất phi nhân tính của chính quyền thực dân, đồng thời trực tiếp khẳng định tính chính nghĩa của sự nghiệp giành độc lập. Bên cạnh đó, ở thời thực dân, công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học đến từ “chính quốc” đã góp phần tạo dựng, đánh giá, lưu giữ nhiều tài liệu về sau bị mai một,… thì việc các nước cựu thuộc địa tiếp thu thành quả của họ đâu phải “bị thuộc địa về tinh thần”. Trên thực tế, người Việt Nam có thái độ rất trân trọng đối với kết quả nghiên cứu Việt Nam của Henri Maspéro, Albert Sallet, Madeleine Colani, Georges Condominas, Yersin… Đó là hành xử lương thiện trí thức đâu phải là “để chống những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn” như Liam C. Kelley đã suy diễn. Như là kết quả từ vô thức lịch sử, ở một số nước thuộc địa, chính quyền thực dân đã góp phần hình thành đội ngũ trí thức người bản xứ “kiểu mới”. Ở Việt Nam, những người này đã đặt nền móng cho sự ra đời tầng lớp trí thức hiện đại, đoạn tuyệt với lối học hành, thi cử truyền thống, tiếp thu quan niệm, phương pháp của một số ngành khoa học đến từ phương Tây để thực hành nghiên cứu. Việc họ kế thừa, thậm chí “không thể vượt qua được những khái niệm mà những kẻ thực dân tạo ra” là biểu hiện năng lực nghiên cứu của họ còn hạn chế, chứ không phải “bị thuộc địa về tinh thần”!
Nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện sẽ thấy về mặt hình thức với các quốc gia từng trải qua thời kỳ bị thực dân đô hộ, có thể phân kỳ lịch sử theo logic thời gian: tiền thuộc địa - thuộc địa - hậu thuộc địa, nhưng về nội dung xã hội lại phức tạp hơn rất nhiều, không phải mọi quốc gia ở thời kỳ “hậu thuộc địa” cũng phải đối diện, phải giải quyết các vấn đề tương tự như nhau. Nghĩa là không thể vì thấy ở Ấn Độ và Thái Bình Dương là nơi có lý thuyết hậu thuộc địa phát triển mà đòi hỏi Việt Nam cũng phải có lý thuyết gia hậu thuộc địa.
Tới các thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các khái niệm thuộc địa, nửa thuộc địa hầu như chỉ còn là đối tượng nghiên cứu hơn là thực tế hiện tồn. Nhưng với lịch sử mấy trăm năm, với sự bành trướng, ảnh hưởng trên hầu hết các lục địa, thậm chí với một số trường hợp, chủ nghĩa thực dân còn giữ vai trò quyết định trong sự biến chuyển kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa,… của một số quốc gia cho nên khó có thể nói chủ nghĩa thực dân không để lại dấu vết trong đời sống. Và vấn đề còn phức tạp hơn khi điểm xuất phát của các nước trước khi bị thực dân hóa lại ở trong các trình độ khác nhau. Nếu trước khi người Anh tới Ấn Độ, người Tây Ban Nha tới Peru, các nước này có nhiều thành tựu văn hóa - văn minh (như văn hóa - văn minh Ấn Độ, văn hóa - văn minh Inca); thì trước khi người Tây Ban Nha tới miền đất nay là Brazil, người da đỏ ở đây vẫn sinh sống bán du mục, chưa có chữ viết. Tương tự là tình trạng kém phát triển của cư dân bản địa trong thời kỳ “tiền thuộc địa” ở Bắc Mỹ, Australia. Còn phải kể tới tình huống sau khi xâm chiếm vùng đất mới, chính quyền thực dân còn tìm cách tận diệt cư dân bản địa, hay đẩy họ tới những vùng đất hoang vu; từ đó, những người vốn là thực dân lại xây dựng nên các quốc gia mới với tên gọi riêng, nhà nước riêng, như Mỹ, Australia,Canada,…
Tựu trung sau khi giành độc lập, sự khác nhau trong điểm xuất phát vật chất và tinh thần ở thời kỳ tiền thuộc địa; sự tồn tại của nhiều giá trị văn hóa - văn minh mang bản sắc riêng ra đời trước khi bị đô hộ; sự khác nhau trong quá trình tiếp biến các giá trị văn hóa - văn minh tiến bộ hơn mà chủ nghĩa thực dân vô tình gieo cấy vào đời sống; sự khác nhau trong cách thức tổ chức và cai trị xã hội mà mỗi nước thực dân đã thực hành ở từng thuộc địa; mối liên hệ khăng khít hoặc lỏng lẻo với “mẫu quốc”; nền tảng tinh thần mới, sự lựa chọn con đường phát triển,… đã không đưa tới mẫu số chung, mà còn đẩy tới sự phức tạp, tính đa dạng của thế giới sau khi chủ nghĩa thực dân đã cáo chung. Vì thế kết thúc thời thuộc địa, dù đa số quốc gia - dân tộc đều xây dựng chính thể cộng hòa thì không phải ở đâu cũng xây dựng được một xã hội phát triển. Thậm chí sau khi giành lại độc lập, nhiều quốc gia còn tự đẩy mình vào tình huống bi đát hơn, độc lập chưa trở thành động lực giúp vào sự phát triển, mà xã hội bị thao túng để trở thành biến thể của chế độ người bóc lột người.Trong bối cảnh đó, nhìn vào các quốc gia cựu thuộc địa, một số nhà nghiên cứu ở phương Tây không chỉ nhận ra sự chi phối từ cái nhìn “đàn anh” của phương Tây đối với phương Đông, mà còn nhận thấy tại nhiều nước, tình trạng bóc lột và bị bóc lột vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, người nghèo vẫn chưa có vị trí, vai trò xã hội; rồi tệ phân biệt chủng tộc, các vấn đề nữ quyền, quyền và xu hướng “ngoại vi hóa” các nhóm thiểu số, bên lề,… đồng thời họ cũng nhận ra hạn chế của các lý thuyết phương Tây trong khi nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá, kết luận,… về các vấn đề văn hóa (trong đó nổi lên là văn học) ở các nước từng là thuộc địa. Và từ đó, Chủ nghĩa hậu thực dân ra đời. Trong cuốn sách Đông phương học (Orientalism), E. Said đặt vấn đề xem xét quan hệ văn hóa giữa phương Đông với phương Tây sau thời thuộc địa, mà ở đó thái độ tự thị văn hóa của phương Tây đưa tới quan niệm về vị trí “bên lề”, “ngoại vi” của văn hóa phương Đông. E. Said cho rằng phương Tây thường nhìn về phương Đông như “trung tâm” nhìn “ngoại vi” và coi phương Đông như là “cái khác”. Có thể chia sẻ với quan điểm của E. Said và các tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân khi họ đặt vấn đề nghiên cứu, nhưng từ việc Đông phương học của E. Said chủ yếu đề cập tới Trung Đông, sự chú ý của G.C. Spivak chủ yếu dành cho Ấn Độ,… thì khó có thể phóng chiếu kết quả nghiên cứu của họ trên phạm vi thế giới. Thêm nữa, không thể từ hiện tượng đa số tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân xuất thân từ một nước cựu thuộc địa (như E. Said đến từ Palestine, A. Césaire đến từ Martinique, F. Fanon đến từ Algérie, G.C. Spivak, H. Bhabha đến từ Ấn Độ,…) mà đẩy tới lập luận cho rằng, ở các nước cựu thuộc địa khác cũng phải xuất hiện lý thuyết gia hậu thuộc địa. Bởi xuất hiện hay không, trước hết là phụ thuộc vào bối cảnh và tính chất xã hội của mỗi quốc gia sau khi giành độc lập.
Tính chất phức tạp của quá trình thực dân hóa đã đẩy tới sự phức tạp của quá trình “giải thực dân” trên phạm vi thế giới. Xét từ góc độ văn hóa, có thể nói tính đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc trước khi bị đô hộ, ảnh hưởng văn hóa - văn minh do chủ nghĩa thực dân đem tới làm cho tâm thế văn hóa ở các nước cựu thuộc địa trở nên phức tạp, khó có thể tìm mẫu số chung cho tâm thế văn hóa của mọi quốc gia. Do đó người nghiên cứu cần đáp ứng yêu cầu về tính lịch sử - cụ thể, xa rời yêu cầu này, dễ đẩy tới tình trạng nghiên cứu, xét đoán chủ quan, áp đặt. Chỉ có đáp ứng yêu cầu đó, mới chấp nhận một sự thật với người nghiên cứu là: không có logic (dù là logic hình thức) các nước từng bị thực dân đô hộ đều phải trải qua thời kỳ “hậu thuộc địa” với những đặc điểm chung. Chỉ có như thế mới thấy trong khi nhiều quốc gia phải loay hoay tìm con đường phát triển, thoát khỏi “cái bóng” của chủ nghĩa thực dân, thì không chờ đến Tuyên ngôn về thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân của LHQ, dân tộc Việt Nam đã tự thân hành động, và tự mình đấu tranh để giành lại độc lập từ năm 1945. Tình huống lịch sử đó cung cấp cho người Việt Nam một tư cách khác, mà nổi bật nhất là từ sau năm 1945 đến nay chưa bao giờ người Việt Nam xem mình là “kẻ bại trận”; sau hơn nửa thế kỷ, “tâm lý thuộc địa” có lẽ chỉ còn là ý nghĩ mơ hồ trong một số người.
Cần nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, quá trình “giải thực dân” được thực hiện nhanh chóng và triệt để, các tiêu chí cơ bản để xây dựng xã hội mới được xác định từ trước khi giành lại độc lập, thậm chí hệ thống giá trị của nền văn hóa mới được khẳng định từ năm 1943 qua Đề cương văn hóa Việt Nam. Như vậy, cái gọi là “hậu thuộc địa” nếu có ở Việt Nam cũng chỉ có ý nghĩa là phân kỳ lịch sử, không phải là thực tế xã hội cần nghiên cứu để ra đời “lý thuyết gia hậu thuộc địa người Việt”. Tất nhiên, thoát khỏi “cái bóng” của chủ nghĩa thực dân không thể diễn ra một sớm một chiều. Nhưng cùng với thời gian, khi mà “ông toàn quyền, ông sứ” vắng bóng, khi cái thời Hoài Thanh viết “ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây” chỉ là chuyện của quá khứ, thì với người Việt Nam hôm nay, có lẽ chỉ còn một số công trình kiến trúc ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một vài nhân vật trong Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Sống mòn (Nam Cao), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với Thủ đô và Lũy hoa (Nguyễn Huy Tưởng),… là gợi nhớ tới một thời thực dân. Thế hệ đương đại biết về thời “Pháp thuộc, Mỹ thuộc” chủ yếu qua sách báo, phim ảnh, qua lời kể của số chứng nhân ít ỏi thuộc thế hệ trước. Và nhiều người Việt Nam hôm nay vẫn nói xích-lô (cyclo), ghi-đông (guidon), xi-lanh (cylindre), xi-măng (ciment),… mà ít quan tâm tới việc các khái niệm này xuất hiện vào thời thực dân. Bên cạnh đó, liệu tâm lý nhược tiểu, thói vọng ngoại có phải là hệ quả của chủ nghĩa thực dân? Khó có thể kết luận như vậy khi từ rất sớm, người Việt Nam đã tiếp xúc với các nền văn hóa - văn minh phát triển, như văn hóa - văn minh Ấn Độ, Trung Hoa. Hàng nghìn năm sinh tồn bên một quốc gia tự nhận là “thiên triều”, nếu tâm lý nhược tiểu, thói vọng ngoại có nảy sinh trong một số người thì cũng không ngạc nhiên. Điều đáng nói là tâm lý ấy, thói ấy chưa bao giờ chi phối nhận thức chung của xã hội.
Sau khi giành được độc lập, dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến, trong thời đoạn nhất định vẫn còn một bộ phận dân cư chịu sự đô hộ thực dân (nơi thực dân Pháp quản lý từ năm 1946 đến 1954, nơi chính quyền Sài Gòn quản lý từ năm 1954 đến năm 1975) thì về nguyên tắc, chế độ người bóc lột người đã bị xóa bỏ ở Việt Nam, Việt Nam đã lựa chọn một con đường phát triển hoàn toàn khác. Như vậy, nghiên cứu về Việt Nam sau khi giành được độc lập là việc mọi nhà khoa học có thể tiến hành, nhưng nếu sử dụng quan niệm của Chủ nghĩa hậu thực dân để nghiên cứu, sẽ rất dễ nhầm lẫn, từ đó có thể đưa ra yêu cầu phi lịch sử, và đưa tới kết luận có tính áp đặt. Nói cách khác khi nghiên cứu, không thể đánh đồng các tình thế, bối cảnh xã hội - con người khác nhau về bản chất. Vì hơn nửa thế kỷ nay, ở Việt Nam đâu còn tình trạng bóc lột và bị bóc lột, đâu còn chuyện người nghèo chưa có vị trí và vai trò xã hội; đâu có tệ phân biệt chủng tộc, đâu có các vấn đề nữ quyền, quyền và xu hướng “ngoại vi hóa” các nhóm thiểu số, bên lề,… Yêu cầu như vậy khác gì thấy ở Hoa Kỳ có tình trạng phân biệt đối xử với người Mỹ da đen, từng có hiện tượng xử tử do đám đông bạo hành (lynching) mà lại đi yêu cầu Việt Nam cũng không được phân biệt đối xử với người da đen, không thực hiện “lynching”, bất chấp sự thật là ở Việt Nam không có người da đen, không có “Ku Klux Klan”!
Lời kết:
Đọc bài viết này, có thể Liam C. Kelley sẽ xếp tôi vào nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc (mà dường như qua một số bài viết, ông không có nhiều thiện cảm khi đề cập tới chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam?). Nếu ông nhận xét như vậy, tôi cũng không băn khoăn. Bởi theo chúng tôi, chỉ có người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tự thị về dân tộc mình, bảo thủ, kỳ thị, coi thường dân tộc khác, rồi bức xúc không cần biết đúng - sai khi người khác giúp phân tích nhược điểm,… mới đáng quan ngại. Hơn nữa, muốn đất nước đổi mới, tiếp tục phát triển, cùng với nỗ lực tự thân, người Việt Nam cần phải tiếp tục học hỏi mở mang trí tuệ, vậy không có gì xấu hổ khi người khác bằng cách thức tiếp cận khoa học và thiện chí giúp chỉ ra hạn chế.
Tôi trân trọng lựa chọn nghiên cứu của GS TS Liam C. Kelley, nhưng không có nghĩa phải trân trọng một số kết luận ra đời từ khảo sát thiếu tính lịch sử, suy đoán chủ quan, áp đặt, dựa trên một số tư liệu không có ý nghĩa phổ quát,… từ đó đào xới, bác bỏ. Phương pháp thực chứng và tư duy trên cơ sở văn bản có thể giúp Liam C. Kelley rút ra kết luận khả dĩ về đối tượng nghiên cứu nào đó, song phương pháp và tư duy ấy sẽ là trở lực với ông khi nghiên cứu các vấn đề lịch sử - văn hóa có khoảng cách rất xa về thời gian và tư liệu sơ sài, đòi hỏi người nghiên cứu phải nhập thân vào đó mới có cơ may đưa ra kết luận hữu lý. Vì thế, từ các phân tích trên, xin đặt câu hỏi: Khi GS TS Liam C. Kelley không chú ý nghiên cứu lịch sử - văn hóa từ góc nhìn toàn diện - lịch sử - cụ thể, thì phải chăng, bằng cố gắng nghiên cứu để hạ thấp ý nghĩa một số giá trị lịch sử - văn hóa vốn đang là niềm tự hào của người Việt Nam, Liam C. Kelley muốn thực hành một “chủ nghĩa thực dân tinh thần” trong thời hiện đại?
Cuối cùng, các nội dung trên đây là khá xa công việc chuyên môn của tôi. Nói như thế không phải muốn “chặn trước” ý kiến phản biện, mà vì tôi không trả lời được câu hỏi: Tại sao trong khi quan điểm của GS TS Liam C. Kelley tỏ ra có ảnh hưởng tới một vài tác giả Việt Nam đương đại (như ý tưởng và luận điểm của Liam C. Kelley trong bài “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại dường như đã được một vị Tiến sĩ mô phỏng để viết bài Kinh Dương Vương - ông là ai? đăng trên Tia sáng tháng 9.2013?), thì một số tác giả chuyên sâu về lịch sử - văn hóa lại im lặng trước một số kết luận của Liam C. Kelley? Nếu họ không biết, đó là điều đáng tiếc! Nếu họ biết nhưng im lặng, phải chăng họ đồng tình với Liam C. Kelley?
NH - 1.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét