THAM LUẬN VỀ CHỦ ĐỀ “CÔNG DÂN BỊ CẤM XUẤT CẢNH
VÌ LÝ DO AN NINH - NHÌN TỪ QUAN ĐIỂM QUỐC TẾ” CỦA
HỘI NHỮNG NGƯỜI
PHẢN BÁC TUYÊN BỐ 258
Qua blog của Mạng lưới Blogger Việt Nam
(MLBVN), chúng tôi được biết, nhóm này sẽ tổ chức hội thảo về chủ đề “Công dân
bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh nhìn từ quan điểm quốc tế” tại quán Joma
Bakery Coffee, 22 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội, thành phần khách mời có những
người quan tâm đến quyền tự do đi lại cá nhân.
Hội Những Người Phản bác Tuyên bố 258 với
hơn 1600 thành viên đã có quá trình “đồng hành” với các hoạt động của MLBVN,
nên chúng tôi xem buổi thảo luận này là dịp thể hiện chính kiến với chủ đề
“Công dân bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh”, mà cụ thể là một số thành viên
của nhóm này đã bị Bộ Công an chưa cho phép xuất cảnh vì lý do tương tự.
1. “CÔNG DÂN BỊ CẤM XUÁT CẢNH VÌ LÝ DO
AN NINH” - NHÌN TỪ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ
PHÁP LUẬT QUỐC TẾ
Hệ thống
pháp luật Việt Nam
quy định rõ quyền tự do đi lại của công dân từ văn bản pháp lý cao nhất. Tuy
nhiên chỉ rõ quyền này bị giới hạn theo luật định.
- Theo
Điều 23 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong
nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền
này do pháp luật quy định”.
- Theo
Khoản 6 Điều 21, Nghị định 136/2007-CP của Chính phủ, quy định Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được
xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự
hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án
hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án
dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết
định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về
tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm
khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy
hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an
ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về
xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Các trường hợp thành viên MLBVN vừa qua
chưa được xuất cảnh, đều thuộc diện quy định tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định
136/2007 -CP này.
- Theo các biên bản về việc chưa được
xuất cảnh do chính các thành viên MLBVN đưa lên mạng đều chỉ rõ, các thành viên
này chưa được xuất cảnh THEO ĐỀ NGHỊ CỦA BỘ CÔNG AN là đúng thẩm quyền theo
Điểm d Khoản 1 Điều 22 Nghị định 136 “ Bộ
trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại
khoản 6 Điều 21 Nghị định này.”.
- Không có bất cứ quy định nào yêu cầu
“người ra quyết định chưa cho xuất cảnh phải
có văn bản thông báo cho công dân bị cấm”. Tại Điều 25 Nghị định
trên chỉ yêu cầu “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện người thuộc diện nêu
tại Điều 21 và Điều 23 Nghị định này đã có hộ chiếu, giấy tờ khác có giá trị
xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đang làm thủ tục để đề nghị cấp giấy tờ đó, có trách
nhiệm thông báo kèm theo bằng chứng cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền nêu
tại Điều 22 Nghị định này xem xét, quyết định không cấp hộ chiếu, giấy tờ khác
có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ngăn chặn người đó xuất cảnh.”
Pháp luật Việt Nam có “lạm quyền” theo như tuyên
bố của nhóm này? Hoàn toàn không:
- Quyền tự do đi lại
được nêu ra tại Điều 12 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị,
chỉ ra “quyền tự do đi
lại không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định”. Như vậy, Quyền tự do đi
lại và cư trú không phải là một quyền tuyệt đối (absolute right), tại Khoản 3
Điều 12 chỉ rõ mà có thể bị hạn chế nếu... do luật định và là cần thiết để bảo
vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội hoặc các
quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được ICCPR
công nhận.
Như vậy, mọi Nhà nước vì lý do ANQG
phải giới hạn quyền tự do đi lại của công dân nước mình là hoàn toàn chính
đáng.
- Yêu sách đòi phải
trải qua tiến trình xét xử và pháp quyết của tòa án đối với những đối tượng mà
Bộ Công an cho rằng vi phạm những điều kiện xuất cảnh là thiếu cơ sở pháp lý
quốc tế. Xin mời các thành viên của
MLBVN tham khảo luật pháp Hoa Kỳ. Luật Hộ
chiếu Hoa Kỳ quy định rõ chính quyền có thể từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu vì
chính sách đối ngoại hoặc các lý do an ninh quốc gia bất cứ lúc nào (Nguồn : http://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_movement_under_United_States_law).
Trên thực tế, Mỹ đã
từng không cấp hộ chiếu cho một số người ra nước ngoài nhằm tham dự hoạt động
liên quan đến “cộng sản”. Năm 1948, Leo
Isacson (1910-1996) là Hạ Nghị sĩ đầu tiên bị Bộ Ngoại giao Mỹ từ
chối cấp Hộ chiếu khi ông cố gắng tới Paris để tham dự một hội nghị
với tư cách quan sát viên của Hội đồng vì Hy Lạp dân chủ Mỹ - một
tổ chức cộng sản chống lại chính quyền Hy Lạp trong Nội chiến Hy
Lạp. Bộ Ngoại giao cho rằng cấp hộ chiếu cho ông này "không thuộc
lợi ích của nước Mỹ" nên đã từ chối cấp theo Luật Hộ chiếu năm
1926, theo đó cho phép chính quyền được từ chối cấp hoặc hủy hộ
chiếu vì lý do an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại.Trong những năm sau đó, chính quyền
Mỹ từ chối cấp visa cho những người bị nghi là cộng sản.
Ví dụ thứ hai về án
lệ của Mỹ: Philip Agee là một cựu nhân viên CIA ở hải ngoại vào năm
1974 tuyên bố sẽ chống lại các hoạt động của CIA và tuồn thông tin
về một số sĩ quan khiến họ bị tấn công. Năm 1976 Bộ Ngoại giao Mỹ
hủy visa của Agee, sau đó Agee khởi kiện Bộ Ngoại giao do cho rằng Bộ
này không có đủ thẩm quyền và đã vi phạm quyền tự do được bảo vệ
trong Tu chính án thứ 5 (về tự do đi lại) và Tu chính án thứ nhất
(quyền chỉ trích chính quyền). Sau cùng, năm 1981 Tòa tối cao Mỹ ra
quyết định chấp thuận quyết định trên của Bộ Ngoại giao, và tạo án
lệ: cơ quan hành pháp được toàn quyền quyết định trong trường hợp an
ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại bị xâm phạm. Việc bị
hủy visa dẫn tới Philip Agee không thể xuất nhập cảnh vào Mỹ.
Cả hai ví
dụ trên chứng minh rõ ràng nhất, vì lý do An ninh quốc gia, lợi ích đất nước,
cơ quan hành pháp có đủ thẩm quyền trong việc từ chối “quyền tự do đi lại của
công dân” là hoàn toàn đúng với pháp luật quốc tế được phổ quát và hầu hết pháp
luật các quốc gia đều thực hiện để bảo vệ lợi ích đất nước và nhân dân mình.
2. BỘ CÔNG AN CHƯA CHO
PHÉP MỘT SỐ THÀNH VIÊN MLBVN XUẤT CẢNH CÓ PHẢI LÀ TÙY TIỆN?
Trước hết, phải khẳng
định, Bộ Công an đã đúng thẩm quyền, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục trong việc
đưa ra quyết định chưa cho các thành viên MLBVN xuất cảnh.
Hãy nhìn những người
chưa được phép xuất cảnh này là những ai? Blogger Mẹ Nấm Gấu - Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh, An Đổ Nguyễn - Nguyễn Hoàng Vi, Hư Vô - Đào Trang Loan, Paulo Thành
Nguyễn - Nguyễn Hồ Nhật Thành, Nguyễn Hữu Vinh,…
Chúng tôi không biết rõ cơ sở đầy đủ của các
quyết định chưa được phép xuất cảnh này của Bộ Công an. Nhưng qua một ví dụ
tiêu biểu, như ông Trịnh Hội (thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, Giám đốc
VOICE ở Philipinne) vốn trước đây được chính quyền, người dân trong nước chào
đón nồng hậu, nhưng khi cơ quan công an phát hiện ra ông ấy tham gia tổ chức
khủng bố Việt Tân chống Việt Nam, nên đã bị cấm nhập cảnh. Còn các thành viên
MLBVN trong nước, chúng tôi thử điểm qua một vài việc làm gây phương hại đến
ANQG rất rõ nét của các anh chị nhé:
(1) Thành lập hội trái
pháp luật: “Mạng lưới Blogger Việt Nam” được các anh/chị tuyên bố
thành lập trái pháp luật. Theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ, thì việc thành
lập một hội phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định trong Nghị định này,
có hồ sơ xin phép và được cơ quan chức năng chấp thuận.
(2) Có dấu hiệu tiếm
danh xưng cộng đồng để lừa đảo các cơ quan, tổ chức quốc tế mục đích xâm hại lợi
ích của Nhà nước, nhân dân, cộng đồng Blogger Việt Nam. Hành động nhóm nhỏ 103 blogger
này đã khiến các blogger khác trên mạng nổi giận, lên án hành vi này là mạo
nhận danh xưng cộng đồng nhằm chiêu dụ thành phần chống đối đất nước, lòe bịp
các tổ chức quốc tế. Hội Những Người Phản bác Tuyên bố 258 với gần
700 chữ ký hợp lệ đã cùng lên tiếng trong một Tuyên bố chung phản đối cách thức
hình thành, hoạt động của MLBVN. Đến nay, Hội của chúng tôi đã đạt con số hơn
1600 thành viên, chứng tỏ sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng Blogger Việt Nam
với mục đích thành lập.
(3) Vận động, tổ chức,
thực hiện nhiều hoạt động gây phương hại, đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của
Nhà nước và nhân dân Việt Nam:
- Các anh chị MLBVN
muốn yêu cầu sửa đổi điều luật 258 BLHS nhưng không theo trình tự, cách thức
đúng đắn mà mọi công dân, tổ chức có trách nhiệm trong nước thực hiện, mà vận
động Liên Hiệp quốc, Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế can thiệp vào công
việc nội bộ của nhân dân, đất nước Việt Nam. Đây là cách hành xử của “Trần Ích
Tắc”, “Lê Chiêu Thống”, nhân danh “nhân dân Việt Nam” để cung cấp “vũ khí” cho
các thế lực không cùng lợi ích tấn công vào đất nước mình. Hành động không
những trái pháp luật mà trái đạo lý, vô liêm sỉ.
- Các anh chị vận động
Liên Hiệp quốc, các chính phủ, tổ chức quốc tế ngăn cản Việt Nam tham gia vào
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc– một việc làm xâm hại trắng trợn đến lợi ích
nhân dân, đất nước. Nếu những người này, nhân danh đấu tranh dân chủ, nhân
quyền cho Việt Nam thì đáng lý cần ủng hộ, khuyến khích việc này để Việt Nam có
cơ hội cải thiện nhân quyền, đem lại lợi ích cho chính nhân dân đất nước họ.
Thì không, họ chỉ muốn Việt Nam
bị cô lập, bị cấm vận, chịu thiệt hại mọi mặt chỉ vì không theo tư tưởng, quan
điểm, chế độ chính trị của bản thân họ kỳ vọng. Hành động này của các anh chị
đáng bị cả dân tộc nguyền rủa. Đó là lý do chủ yếu khiến các anh chị muốn xóa
bỏ Điều 258 BLHS để “tự do” xâm hại lợi ích đất nước, nhân dân Việt Nam mà
thôi.
- Nhóm anh chị đại
diện MLBVN như Trịnh Hội, Đoan Trang, Trịnh Hữu Long,…đã thay mặt anh chị trong
nước phối hợp với tổ chức khủng bố Việt tân, tập hợp những tài liệu lên án tình
trạng nhân quyền Việt Nam bằng nguồn không chính thức, không đảm bảo khách
quan, tin cậy để vận động các nước tham gia phiên UPR dựa vào đó đưa ra khuyến
nghị về tình hình nhân quyền Việt Nam, đồng nghĩa với những áp đặt sẽ gây thiệt
hại cho lợi ích của nhân dân, đất nước.
(4) Những thành viên MLBVN
chưa được phép xuất cảnh đều có rất nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm các tội
trong chương Các tội xâm phạm ANQG, trật tự an toàn xã hội trong Bộ luật hình
sự nước Việt Nam hoặc các văn bản luật và chế tài hành chính khác, xin kể sơ
bộ:
- Kêu gọi và tham gia
nhiều cuộc tụ tập, biểu tình đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật
tự.
- Tham gia nhiều hội,
nhóm trái phép có dấu hiệu xâm phạm ANQG khác.
- Có quan hệ phức tạp,
nghi vấn với các cá nhân, tổ chức nước ngoài thù địch với Việt Nam.
Đây là những ý kiến
theo tiêu chí “HỘI THẢO” của nhóm Mạng lưới Blogger Việt Nam về chủ đề “Công
dân bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh -nhìn từ quan điểm quốc tế” của Hội Những
người Phản bác Tuyên bố 258.
Chúng tôi tin cơ quan
công an chắc chắn có quá trình điều tra và có cơ sở để đưa ra quyết định chưa
được phép xuất cảnh này. Bộ Công an đã thông báo rõ cho các blogger này cơ
quan, địa chỉ cụ thể giải quyết các thắc mắc, khiếu nại, nhưng các blogger này
không thực hiện việc đó, không thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của chính
mình, tự tổ chức các hình thức phát ngôn thiếu cơ sở, có tính vu khống đã chứng
minh phần nào sự thiếu tôn trọng pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật.
Cách thức các anh chị tổ chức hội thảo về “Công dân bị cấm xuất cảnh vì lý do
an ninh - nhìn từ quan điểm quốc tế” thực chất mang tính trình diễn với dư
luận, trình bày với người nước ngoài là chính. Các anh chị muốn quan tòa của họ
là đất nước khác, người quốc gia khác, chứ tránh né pháp luật nước mình, công
dân, công luận chính đất nước mình.
Đại diện cho
HNNPBTB258
Hoàng Thị Nhật Lệ và
nhóm bạn